Theo kỹ sư Đào Xuân Hanh (Công ty Năng lượng xanh) tình trạng này xảy ra do sử dụng và vệ sinh máy chưa đúng cách. Dưới đây là cách khắc phục.
Thứ nhất, kiểm tra vị trí đường ống thoát từ máy rửa bát ra đường thoát âm sàn xem đã lắp thiết bị bẫy nước (cổ ngỗng) hay chưa? Nếu để nước thải thoát trực tiếp xuống ống xả, chắc chắn mùi hôi sẽ từ ống bốc ngược trở lại khiến cho máy rửa bát luôn có mùi khó chịu.
Thứ hai, đường ống thoát nước của máy rửa bát sử dụng lâu ngày có thể bị bám cặn bẩn, nhất là lớp mỡ thừa, lâu dần tạo thành các mảng bám trong thành ống, khiến tiết diện ống bé lại, dễ gây tắc và gây mùi khó chịu.
Để khắc phục tình trạng này, cần vệ sinh ống thoát thường xuyên. Có thể dùng hóa chất kết hợp với nước nóng để làm tan lớp mỡ bám trong thành ống. Người dùng cũng hạn chế để quá nhiều thức ăn dư thừa vào trong máy rửa bát, nên tráng qua một lớp nước trước khi đưa vào máy. Cách làm này đảm bảo cho các vị trí mắt quay (hay tay quay) phun nước luôn ở trạng thái hoạt động tốt, không bị thức ăn dư thừa bám vào khiến áp lực nước giảm.
Lưu ý đây là bộ phận có thể tháo rời, nên định kỳ tháo ra vệ sinh và bảo dưỡng.
Thứ ba, do mật độ bát đĩa quá nhiều trong mỗi lần rửa khiến không được rửa sạch. Khi bát đĩa quá nhiều và không được sắp xếp đúng cách sẽ khiến các tia nước không thể xử lý được các góc cạnh bị che khuất.
Nguyên nhân thứ tư là không lấy bát đĩa ra sau mỗi lần rửa bát. Đây là việc làm cần thiết sau mỗi chu kỳ kết thúc hoạt động của máy. Người dùng nên tắt máy và mở cửa máy rửa bát để cho hơi nước bốc ra ngoài, tránh hiện tượng ngưng tụ, tạo mùi hôi bám trên bát đĩa.
Nguyên nhân cuối cùng là không vệ sinh máy thường xuyên. Bất kỳ thiết bị nào nếu như không được vệ sinh thường xuyên cũng sẽ trở thành nơi sinh sôi lý tưởng cho vi khuẩn. Vì thế khi thợ lắp đặt, người dùng cần học hỏi tham khảo cách lắp đặt các bộ phận chi tiết của máy, sau này dễ dàng tháo lắp trong quá trình vệ sinh.